Các triệu chứng của mpox là gì?

Các triệu chứng thường bắt đầu có từ 3-21 ngày sau khi tiếp xúc với vi-rút.

Một số người có các triệu chứng sớm như:

  • sốt hoặc ớn lạnh
  • nhức đầu
  • đau bắp thịt và đau lưng
  • mệt mỏi
  • sưng hạch bạch huyết.

Các triệu chứng thông thường gồm có:

  • phát ban, vết thương hoặc vết loét giống mụn nhọt, nhất là ở những chỗ khó thấy như bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc mông
  • vết loét, vết thương hoặc đau trong miệng
  • đau trực tràng (đau ở hậu môn hoặc quanh đó), có thể có mà không bị phát ban.

Người đã chích ngừa mpox có thể chỉ có các triệu chứng rất nhẹ, chẳng hạn như một vết thương duy nhất (vết loét).

Người bị mpox có thể gây lây nhiễm tới 4 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.

Người bị mpox gây lây nhiễm cho đến khi:

  • tất cả các vết thương (vết loét) đã đóng vảy
  • vảy bong ra và đã có một lớp da mới bên dưới
  • hoàn toàn hết đau trực tràng.

Hầu hết người bị mpox sẽ khỏe hơn trong vòng vài tuần mà không cần được điều trị đặc biệt gì hết.

Mpox lây lan ra sao?

Mpox ở Úc chủ yếu lây lan qua sinh hoạt tình dục. Mpox lây lan qua việc:

  • da đụng vào da có vết phát ban, mụn nước hoặc vết loét
  • tiếp xúc với tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác của người bị mpox.

Mpox cũng có thể lây lan qua việc:

  • đụng vào các vật bị ô nhiễm, chẳng hạn như giường chiếu hoặc quần áo, hoặc
  • tiếp xúc trực tiếp lâu dài với người bị mpox, nhưng trường hợp này hiếm xảy ra.

Nếu tôi bị mpox thì sao?

Nếu quý vị có kết quả xét nghiệm mpox dương tính, nhân viên local public health unit (đơn vị y tế công cộng địa phương (PHU)) hoặc phòng khám sức khỏe tình dục sẽ liên lạc quý vị để tư vấn và tìm hiểu xem có ai khác có nguy cơ không. Khi quý vị cho phép, PHU sẽ tiếp tục làm việc với những người có sự tiếp xúc gần gũi với quý vị (PHU có thể giúp thông báo cho mọi người theo cách ẩn danh). Trong một số trường hợp, những người có sự tiếp xúc gần gũi có thể được đề nghị chích ngừa để tránh cho họ khỏi bị mpox.

Quý vị có thể được yêu cầu thay đổi một số sinh hoạt hàng ngày để giảm nguy cơ lây lan mpox sang người khác. Đôi khi, PHU có thể yêu cầu quý vị ở nhà và cách ly với người khác nếu có nguy cơ lây lan mpox cao hơn.

Hầu hết mọi người có thể tự kiểm soát các triệu chứng của mpox bằng cách uống đủ nước và dùng thuốc giảm đau mua không cần toa (ví dụ như paracetamol, ibuprofen).

Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc hoặc kem giảm đau, chăm sóc vết thương, thuốc làm mềm phân, và đôi khi dùng thuốc trị bệnh mpox.

Nếu các triệu chứng trở nên tệ hơn, quý vị hãy hỏi bác sĩ, healthdirect (1800 022 222), hoặc trong trường hợp khẩn cấp, gọi Ba Số Không (000) ngay lập tức và cho biết quý vị bị mpox.

Tôi làm sao để bảo vệ người khác?

Nếu bị mpox, quý vị nên:

  • không quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thân mật với người khác
  • che các vết thương hoặc vết loét bằng quần áo hoặc dùng băng dán
  • rửa tay thường xuyên bằng xà bông và nước hoặc dùng nước rửa tay có cồn, và sau khi chạm vào vết thương hoặc vết loét
  • dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che miệng khi ho và hắt hơi
  • đeo khẩu trang phẫu thuật khi ở gần người khác nếu quý vị có vết loét hoặc đau ở miệng hoặc cổ họng, hoặc có các triệu chứng ở đường hô hấp
  • tránh đụng chạm người khác, nhất là những người có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn (trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch yếu, và người có thai)
  • ngủ ở phòng riêng và dùng phòng tắm riêng ở nhà (nếu được), và hạn chế sự tiếp xúc gần gũi với người nhà
  • không dùng chung quần áo, giường chiếu hoặc khăn tắm, và giặt đồ riêng
  • đừng đến các cơ sở chăm sóc trẻ em hoặc người già mà không bàn trước với bác sĩ hoặc y tá của PHU
  • chỉ đến các cơ sở y tế nếu quý vị cần gặp bác sĩ (và đeo khẩu trang nếu đến)
  • tránh đụng vào mặt hoặc dụi mắt, nhất là nếu quý vị có vết thương hoặc vết loét ở gần mắt hoặc ở trên tay
  • nói cho những người bạn tình hồi gần đây biết là họ có thể đã tiếp xúc với mpox (bác sĩ hoặc y tá của PHU có thể giúp quý vị thông báo ẩn danh nếu muốn).

Làm sao tôi biết mình không còn gây lây nhiễm được nữa?

Bác sĩ sẽ cho biết khi quý vị không còn khả năng gây lây nhiễm nữa.

Khi tất cả các triệu chứng đã hết, quý vị khó có khả năng gây lây nhiễm. Quý vị có khả năng gây lây nhiễm cho đến khi:

  • tất cả các vết thương đã đóng vảy
  • vảy bong ra và đã có một lớp da mới bên dưới
  • hoàn toàn hết đau trực tràng (hết đau ở hậu môn hoặc quanh đó).

Sau đó, quý vị có thể trở lại với các sinh hoạt bình thường, nhưng nên:

  • dùng bao cao su trong các sinh hoạt tình dục cho đến 12 tuần lễ sau khi đã hết triệu chứng
  • đừng hiến máu, tế bào, mô, sữa mẹ, tinh dịch hoặc nội tạng trong vòng 12 tuần
  • chùi dọn và khử trùng nhà cửa cho kỹ. Nhất là nếu quý vị có vảy bong ra rơi trong nhà. Để được tư vấn về cách chùi dọn và khử trùng nhà cửa, truy cập Clinical Excellence Commission website (Trang mạng của Ủy ban Điều trị Xuất sắc).

Có những hỗ trợ nào khác?

Có những hỗ trợ:

  • Dịch vụ hỗ trợ ACON – Cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn miễn phí và giá cả phải chăng cho người lớn đồng tính LGBTQ+ ở NSW – (02) 9206 2000
  • QLife – Dịch vụ tư vấn toàn quốc ẩn danh trực tuyến và qua điện thoại, do những người trong cộng đồng LGBTQ+ cung cấp – 1800 184 527
  • NSW Mental Health Line (Đường dây Sức khỏe Tâm thần NSW) – 1800 011 511
  • Beyond Blue– 1800 512 348
  • Lifeline (Đường dây Cứu hộ) – 13 11 14

Tôi có nên chích ngừa mpox nếu đã từng bị mpox hay không?

Nếu đã từng bị mpox thì quý vị không cần phải chích ngừa mpox. Tuy nhiên, quý vị vẫn nên tự bảo vệ để không bị mpox nữa. Tìm hiểu thêm về cách giữ an toàn trong tờ thông tin về mpox.

Muốn biết thêm chi tiết

Tới NSW Health mpox information hub) (Trung tâm thông tin NSW Health mpox) để biết thêm chi tiết. Quý vị cũng có thể gọi điện thoại tới local PHU theo số 1300 066 055.

Trong trường hợp khẩn cấp, gọi ngay Ba Số Không (000).

Để được trợ giúp miễn phí bằng tiếng Việt, gọi Dịch vụ Thông Phiên Dịch theo số 13 14 50.


Current as at: Friday 6 September 2024
Contact page owner: Specialist Programs